Ẩm thực trong ngày tết nguyên đán – Phong tục của Việt Nam ta rất phong phú và đa dạng. Nhất là trong những dịp tết nhất đến nơi thì các phong tục trong ngày tết lại càng quan trọng bội phần. Và trong đó cái ăn trong ngáy tết cũng được đánh giá vô cùng quan trọng. Vì sao vậy? và phong tục đó như thế nào? cùng Hoa Văn Decal giải mã vấn đề này nhé.
Mục lục nội dung
Các món ngon quen thuộc trong ngày Tết
Trong thành ngữ Việt Nam có câu Đói giỗ cha, no ba ngày Tết. Tết đến, dù nghèo khó đến đâu thì người ta cũng cố vay mượn, xoay xở để có đủ ăn trong ba ngày Tết sao cho “già được bát canh, trẻ có manh áo mới“. Hơn thế nữa, dù có đói khát quanh năm thì đến Tết, mọi người mà nhất là trẻ em thường được ăn uống no đủ. Bữa ăn ngày Tết thường có nhiều món, đủ chất hơn và sang trọng hơn bữa ăn ngày thường. Vì vậy mà người ta cũng thường gọi là “ăn Tết“. Ngoài cơm, ngày Tết còn có:
1 – Bánh truyền thống
Bánh chưng, bánh giầy, bánh tét… Đây là các loại bánh đặc trưng cho phong tục ăn uống ngày Tết ở Việt Nam. Bánh chưng và bánh giầy còn được gắn với các “sự tích bánh chưng bánh giầy” cổ của các vua Hùng, tổ tiên của người Việt.
2 – Cỗ Tết
Ẩm thực trong ngày tết không thể thiếu tổ chức ăn uống lớn, gọi là ăn cỗ. Các món cỗ trong nhiều gia đình có thể có bóng bì, canh măng, chân giò có nấm hương, miến nấu lòng gà, nem rán, xôi gấc, xôi đỗ, thịt gà, thịt đông, món xào, giò lụa, giò mỡ, nộm, dưa hành muối…
Mứt Tết và các loại bánh kẹo khác để thờ cúng, sau đó dọn ra để đãi khách. Mứt có rất nhiều loại như: mứt gừng, mứt bí, mứt cà chua, mứt táo, mứt dừa, mứt quất, mứt sầu riêng, mứt mít, mứt khoai, mứt hạt sen, mứt chà-là, mứt lạc, mứt me…
Trái cây, mâm ngũ quả, và đặc biệt là dưa hấu đỏ không thể thiếu trong những gia đình miền Nam.Dưa hấu được chưng cúng nơi bàn thờ Tổ tiên, bên cạnh các loại mứt, mâm ngũ quả, bánh kẹo…, và nhiều quả dưa còn được gắn thêm chữ Phước – Lộc – Thọ. Sáng mồng một Tết, người nhà cử người bổ quả dưa để bói cầu may và lấy hên xui.
3 – Các loại bánh mứt kẹo được dùng trong dịp Tết
Kẹo bánh thì đa dạng hơn như: Kẹo bột, kẹo dồi, kẹo vừng (mè), kẹo thèo lèo, kẹo dừa, kẹo cau, kẹo đậu phụng (kẹo cu-đơ), bánh chè lam… Ngoài ra, Tết còn có hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều, hạt dẻ rang…
4 – Thức uống ngày Tết
Phổ biến nhất vẫn là rượu. Các loại rượu truyền thống của dân tộc như rượu nếp thơm, nếp cái hoa vàng (người Kinh), nếp nương (người Thái), nếp cẩm (người Mường), rượu San lùng, rượu ngô (người H’Mong, người Dao), rượu Mẫu sơn (người Tày, người Nùng), rượu Bàu đá (Trung bộ), rượu đế (Nam Bộ)… thường được dùng. Sau bữa ăn, người ta thường dùng trà xanh. Ngày nay còn có thêm các loại rượu của phương Tây, bia và các loại nước ngọt.
Ngoài ra, các gia đình miền Nam thường có thêm nồi thịt kho nước dừa (thịt kho rệu) và nồi khổ qua hầm và nem bì, dưa giá miền Nam, củ kiệu ngâm, bánh tráng (để quấn) để ăn mấy ngày tết. Miền Bắc có cơm rượu và thịt đông, dưa hành và ngày trước có chè kho, mọc vân ám, thang ngày Tết, hiện nay ít được biết đến. Miền Trung có dưa món và món tré, giống giò thủ của miền Bắc nhưng nhiều vị củ riềng, thịt chua và tai heo. Thông thường, người nội trợ miền Nam lục tỉnh nghỉ ngơi, không nấu nướng trong 3 ngày Tết, mà chỉ dùng thức ăn đã được chuẩn bị sẵn trước Tết.